Lịch sử Sibu,_Sarawak

Đế quốc Brunei

Trong thế kỷ XV, người Mã Lai cư trú tại miền nam Sarawak xua đuổi người Iban (di cư từ Indonesia ngày nay) hướng đến khu vực Sibu ngày nay. Trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, lưu vực Rajang là nơi diễn ra nhiều chiến tranh bộ lạc giữa người Iban và dân tộc bản địa tại lưu vực Rajang. Đôi khi, người Iban hình thành một liên minh lỏng lẻo với người Mã Lai để tấn công các bộ lạc Kayan và tiến hành cướp bóc các tàu thuyền Trung Quốc và Indonesia đi qua khu vực.[20]

Triều đại Brooke

Ảnh về Công sự Sibu, khoảng từ 1862 đến 1908.Ảnh về chợ Sibu, khoảng từ 1900 đến 1930.

James Brooke bắt đầu cai trị Sarawak (khi đó chỉ gồm khu vực Kuching ngày nay) vào năm 1841 sau khi giành được lãnh thổ từ Đế quốc Brunei.[19] Năm 1853, Sarawak đã bành trướng lãnh thổ đến khu vực Sibu.[21] Sibu là một làng nhỏ có một số nhà buôn bán. Các nhà buôn bán này được xây dựng với mái lá dừa nước, tường và sàn bằng gỗ.[19] Các cư dân sớm nhất tại Sibu là người Melanau, tiếp đến là người Iban, và người Mã Lai trong thập niên 1850.[16][22][23] Công sự Sibu (Công sự Brooke) được Rajah Brooke cho xây dựng vào năm 1862, nằm tại Channel Road ngày nay. Nó đóng vai trò là một trung tâm hành chính của triều đại Brooke tại Sibu.[24] Tuy nhiên, nó bị phá vào năm 1936.[25] Rajah Trắng thường cho xây dựng các công sự như vậy để khẳng định yêu sách lãnh thổ cũng như là để bảo vệ.[26]

Ngày 13 tháng 5 năm 1870, 3.000 người Dayak (chỉ chung các dân tộc bản địa trên đảo Borneo) từ Kanowit dưới quyền một tù trưởng được gọi là Lintong hay Mua-ri tiến hành tấn công Công sự Sibu. Người Dayak sử dụng rìu nhằm qua cửa công sự, song sau đó họ bị quân Brooke đánh bại.[27] Theo Công báo Sibu xuất bản ngày 24 tháng 1 năm 1871, Sibu có 60 cửa hàng dựng từ gỗ.[28] Năm 1873, tỉnh thứ ba của Sarawak được hình thanh, Sibu nằm trong tỉnh này.[19]

Người Hoa lần đầu đến Sibu là trong thập 1860.[23] Một nhóm người Phúc Kiến xây dựng hai dãy phố với 40 cửa hàng quanh Công sự Sibu (Công sự Brooke).[24] Người Hoa Phúc Kiến lúc đó là cộng đồng thiểu số, chủ yếu gồm người Khách Gia và Mân Nam làm nghề kinh doanh. Một lượng nhỏ người Chương Châu và Hạ Môn sau đó đến Sibu, hầu như là vì lợi ích thương nghiệp.[19] Đến năm 1893, Munan Anak Minggat cùng tùy tùng đến Sibu, họ xây dựng một nhà dài tại Pulau Kerto, một đảo nằm tại chỗ uốn khúc của Sông Rajang đối diện Sibu gần điểm hợp lưu của sông Rajang và Igan. Ông là một thủ lĩnh quân sự trung thành với triều đại Brooke và giúp đàn áp các cuộc khởi nghĩa của người Iban quanh khu vực thượng du các sông Katibas và Lupar trong thập niên 1860 và 1880. Năm 1903, ông là người Iban đầu tiên điều hành một đồn điền cao su tại Kuching. Sau đó ông đầu tư lợi nhuận từ đồn điền cao su của mình vào các cửa hàng và đất tại Sibu.[24]

Ngày 10 tháng 2 năm 1889, thị trấn Sibu bị cháy rụi, gây trì hoãn phát triển tại Sibu.[29] Chính phủ Brooke cho xây bệnh viện đầu tiên tại Sibu vào năm 1912, đó là một tòa nhà một tầng bằng gỗ, có một khu bệnh nhân ngoại trú, phòng nam và phòng nữ.[23] Ngày 8 tháng 3 năm 1928, Sibu lại bị cháy rụi, tuy nhiên Miếu Đại Bá Công vẫn còn nguyên, người dân địa phương cho đây là một kỳ tích.[30][31][32]

Người Phúc Châu định cư

Hoàng Nãi Thường đưa 1.118 người Hoa Phúc Châu đến Sibu vào năm 1901.James Hoover năm 1899. Ông chịu trách nhiệm phát triển khu định cư Sibu sau khi Hoàng Nãi Thường dời Sibu vào năm 1904.Người Hoa nhập cư đến Sibu vào năm 1900.

Hoàng Nãi Thường (Wong Nai Siong) là một học giả Cơ Đốc giáo quê ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ông biết đến Sarawak và Rajah Trắng thông qua con rể là Bác sĩ Lâm Văn Khánh. Vỡ mộng trước cách tiếp cận của Nhà Thanh trước Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn khi người Cơ Đốc giáo Trung Quốc là mục tiêu đặc biệt bị tàn sát,[33] Hoàng Nãi Thường quyết định tìm kiếm để lập một khu định cư mới tại hải ngoại, tập trung vào khu vực Nam Dương.[34] Trước đó, trong tháng 9 năm 1899, ông tìm kiếm tại Malaya và Indonesia song không có kết quả.[35]

Hoàng Nãi Thường được Charles Brooke phê chuẩn cho tìm kiếm một khu định cư mới trong lưu vực Rajang. Trong tháng 4 năm 1900, Hoàng Nãi Thường đi ngược dòng Sông Rajang trong 13 ngày rồi lựa chọn Sibu làm khu định cư mới cho nhóm người Phúc Châu của mình, do khu vực nằm gần đồng bằng châu thổ Rajang sẽ thích hợp cho trồng trọt.[19] Một thỏa thuận được ký kết vào ngày 9 tháng 7 năm 1900 giữa Hoàng Nãi Thường và chính phủ Brooke tại Kuching nhằm cho phép những người Hoa định cư được đến khu vực.[19][36]

Ngày 21 tháng 1 năm 1901, đợt đầu tiên với 72 người định cư đến Sibu và định cư tại khu vực Sungai Merah, cách Sibu đương thời 6 km. Ngày 16 tháng 3 năm 1901, đợt thứ nhì với 535 người định cư đến nơi. Ngày này được gọi là "Ngày Tái định cư Tân Phúc Châu". Đến tháng 6 năm 1901, đợt cuối cùng với 511 người định cư đến Sibu. Sibu do đó thường được gọi là "Tân Phúc Châu" (新福州).[19][35] Đợt này khiến tổng số người định cư Phúc Châu đạt 1.118.[37] Hoàng Nãi Thường được bổ nhiệm làm "cảng chủ" (港主), của khu định cư Phúc Châu tại Sibu. Những người định cư trồng khoai lang, quả, mía, rau, và các loại lương thực hạt lớn tại vùng đất cao và lúa tại vùng đầm lầy. Sau khi hoàn thành công việc tại Sibu, hầu hết người định cư lựa chọn ở lại và xem đây là quê hương mới của mình. Cùng với mục sư người Mỹ Reverend James Matthew Hoover, Hoàng Nãi Thường còn tham gia xây dựng các trường học và nhà thờ tại Sibu như Nhà thờ Giám Lý vào năm 1902 và Trường Giám Lý Anh-Hoa tại Sungai Merah vào năm 1903.[19][35] Từ năm 1903 đến năm 1935, James Hoover giúp đỡ xây dựng 41 nhà thờ và 40 trường học tại Sibu.[38] Từ năm 1902 đến năm 1917, có 676 người Quảng Đông đến Sibu.[19]

Năm 1904, Hoàng Nãi Thường phản đối bán thuốc phiện và xây dựng một sòng bạc tại khu vực Sibu do chính phủ Brooke đề xuất. Sau đó, ông bị chính phủ trục xuất do không trả được nợ. Hoàng Nãi Thường và gia đình ông dời Sibu vào tháng 7 năm 1904.[35] Rev. James Hoover kế nhiệm Hoàng Nãi Thường quản lý khu định cư Sibu. Ông đưa các cây cao su con đầu tiên đến Sibu vào năm 1904.[38] Ông cho xây dựng một nhà thờ Giám Lý vào năm 1905, nhà thờ sau đó được đổi tên thành nhà thờ Giám Lý Masland vào năm 1925.[39] Hoover ở lại lưu vực Rajang thêm 31 năm đến khi mất vì bệnh sốt rét vào năm 1935 tại Bệnh viện đa khoa Kuching.[40] Việc xây dựng Bệnh viện Lau King Howe hoàn thành vào năm 1936 nhằm đáp ứng gia tăng dân số của Sibu. Bệnh viện phục vụ nhân dân Sibu trong 58 năm cho đến năm 1994 khi một bệnh viện mới được xây dựng tại Sibu.[23]

Một cuộc họp của Trung Quốc Quốc dân Đảng tại Sibu vào năm 1920.

Đến năm 1919, ảnh hưởng của nội chiến tại Trung Quốc lan đến Sarawak khi Trung Quốc Quốc dân Đảng lập các chi nhánh đầu tiên của họ tại Sibu và Kuching. Charles Brooke phản đối hoạt động chính trị như vậy của người Hoa địa phương và trục xuất một số thủ lĩnh Quốc dân Đảng. Tuy nhiên, Charles Vyner Brooke khoan dung hơn với các hoạt động như vậy. Người Hoa địa phương vũng tham gia quyên góp cho Quốc dân Đảng để chiến đấu chống Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các thủ lĩnh Quốc dân Đảng địa phương ủng hộ chuyển nhượng Sarawak thành một thuộc địa hoàng gia của Anh song các thủ lĩnh cộng sản địa phương thì chống lại. Xung đột giữa các ủng hộ viên cộng sản và Quốc dân Đảng trở nên phổ biến. Các chi nhánh của Trung Quốc Quốc dân Đảng tại Sarawak cuối cùng bị giải tán vào năm 1949 khi đảng này thất bại trong nội chiến tại Trung Quốc đại lục và phải triệt thoái đến Đài Loan. Tuy nhiên, xung đột giữa hai phái vẫn tiếp diễn cho đến năm 1955 khi báo của Quốc dân Đảng bị chính phủ thực dân Anh cấm chỉ vào tháng 5 năm 1951; trong khi báo của cộng sản ngừng tồn tại vào năm 1955 do khó khăn tài chính.[41]

Nhật Bản chiếm đóng

Ảnh chụp các tướng lĩnh Nhật Bản và công sứ mới của tỉnh thứ ba sau khi Sibu được đổi tên thành "Sibu-shu".

Quân Nhật đổ bộ tại Miri vào ngày 16 tháng 12 năm 1941. Họ chiếm được Kuching vào ngày 24 tháng 12 năm 1941. Ngày 25 tháng 12 năm 1941, Sibu bị 9 máy bay Nhật Bản từ Kuching đến oanh tạc. Công sứ tỉnh thứ Ba là Andrew Macpherson cho rằng người Nhật sẽ bắt đầu tấn công Sibu sau khi không kích. Ông và các quan chức của mình sau đó đào thoát khỏi Sibu đến thượng du Sông Rajang. Họ lên kế hoạch đi qua Batang Ai và vượt rừng đến phần đảo Borneo thuộc Hà Lan. Tuy nhiên, họ bị người Nhật bắt giữ và giết hại tại Ulu Moyan, Sarawak.[42]

Đến tối ngày 26 tháng 12 năm 1941, người dân Sibu bắt đầu cướp một kho gạo chính phủ không được canh gác. Một số dân làng sống dọc Sông Rajang cũng đi ăn cắp các nhu yếu phẩm. Tình hình nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Công ty Sime Darby của Anh, Công ty Hữu hạn Borneo, và thương nhân người Hoa trở thành nạn nhân trong náo loạn. Thương nhân người Hoa quyết định thành lập một liên minh an ninh để đối phó với hỗn loạn. Ngày 29 tháng 1 năm 1942, một đội tiền trạm người Nhật được mời đến từ Kuching nhằm khôi phục trật tự tại Sibu. Đội tiền trạm sau đó đào thoát khỏi Sibu và trở về Kuching. Khoảng trống quyền lực tại tỉnh thứ Ba vẫn tiếp tục cho đến ngày 23 tháng 6 năm 1942, khi đại bản doanh quân Nhật tại Kuching phái Senda-Ni-Jiro (千田倪次郎) đi làm công sứ mới của tỉnh thứ ba thuộc Sarawak. Sau khi nhậm chức, ông lập tức tuyên bố rằng Lục quân Đế quốc Nhật Bản sẽ nắm toàn quyền kiểm soát đối với sinh hoạt và tài sản của nhân dân. Ngày 8 tháng 8 năm 1942, Sibu được đổi tên thành "Sibu-shu" (志布州).[42]

Người Nhật bắt đầu áp thuế cao lên người Hoa, họ cũng bắt đầu hoạt động Túc Thanh nhằm vào các cá nhân bị nghi là kháng Nhật. Do bị tra tấn dã man, một số cá nhân người Hoa khai khống danh sách tên thuộc các tổ chức kháng Nhật. Các danh sách tên này sau đó khiến cho nhiều cá nhân vô tội bị giết tại khu hành quyết Bukit Lima trong khi một số cá nhân bị đưa đến một nhà tù tại Kapit.[43]

Thuộc địa hoàng gia Anh

Rosli Dhobi ám sát thống đốc thứ nhì của Sarawak thời thực dân vào năm 1949.

Sau khi kết thúc thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Sarawak vào năm 1945, Rajah cuối cùng của Sarawak là Charles Vyner Brooke quyết định nhượng lãnh thổ này làm một thuộc địa hoàng gia Anh. Đề xuất này vấp phải phản đối mãnh liệt từ người Sarawak, sau đó phát triển thành phong trào chống chuyển nhượng. Rosli Dhobi là một phần tử dân tộc chủ nghĩa Sarawak đến từ Sibu và là một thành viên của Phong trào Thanh niên Mã Lai (Gerakan Pemuda Melayu) có mục tiêu chính là giành độc lập cho Sarawak từ tay người Anh. Ở tuổi 17, ông ám sát Duncan George Stewart, thống đốc thứ nhì của Sarawak thời thuộc địa vào ngày 3 tháng 12 năm 1949. Ông và ba người bạn của mình (Awang Ramli Amit, Bujang Suntong, và Morshidi Sidek) sau đó bị kết án tử hình bằng cách treo cổ và được chôn trong Nhà tù Trung ương Kiching vào ngày 2 tháng 3 năm 1950.[31]

Sau 46 năm, di cốt của Rosli Dhobi được chuyển khỏi Nhà tù Trung ương Kuching và chôn tại Lăng mộ Anh hùng Sarawak gần Thánh đường Thị trấn Sibu vào ngày 2 tháng 3 năm 1996.[31] Nhằm vinh danh đóng góp của ông trong phong trào chống thực dân, ông và các đồng sự liên quan đến vụ ám sát về sau được chính phủ bang Sarawak tổ chức một lễ tang cấp bang.[44]

Nổi dậy cộng sản

Sau khi Trung Quốc Quốc dân Đảng thất bại trong nội chiến tại Trung Quốc đại lục, các thành viên cộng sản tại Sibu bắt đầu củng cố bản thân tại Sarawak vào đầu thập niên 1950. Hoàng Thanh Tử (黄声梓) đến từ Bintangor trở thành chủ tịch của Đảng Cộng sản Borneo (BCP). Các hoạt động của Đảng Cộng sản Borneo chủ yếu tập trung tại Sibu, Sarikei, và Bintangor. Em trai ông là Hoàng Tăng Đình (黄增霆) cũng là một thành viên cộng sản, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính đảng đầu tiên tại Sarawak là Đảng Liên hiệp Nhân dân Sarawak (SUPP) và trở thành bí thư chấp hành đầu tiên của đảng.[45] Đồng minh Giải phóng Sarawak (SLL) được thành lập vào năm 1954 sau khi hợp nhất BCP cùng một số tổ chức cộng sản khác.[46]

Chủ nghĩa cộng sản phát triển tại Sibu dựa nhiều vào các phong trào học sinh trong một số trường học như Trung học Trung Hoa (中华中学), Trung học Công giáo (公教中学), và Trung học Hoàng Nãi Thường (黄乃裳中学). Một số địa điểm cộng sản sôi nổi tại Sibu là tại đường Oya và Queensway (nay là Jalan Tun Abang Haji Openg). Phong trào cũng được giới tri thức và công nhận tại Sibu ủng hộ, chẳng hạn Bác sĩ Hoàng Thuận Khai ủng hộ phong trào bằng cách cung cấp miễn phí dược phẩm.[47] Các dân làng Kampung Tanjung Kunyit nằm trong số những người bị quấy nhiễu phải cung cấp thực phẩm và vật tư y tế cho cộng sản.[48] Ngày 30 tháng 3 năm 1971, cộng sản phát động một phong trào chống khiêu dâm. Đến đầu năm 1973, họ phát động chiến dịch khác để phản đối tăng thuế và giá cả tăng cao trong khi tán thành tăng lương cho công nhân. Một số tình nguyện viên cộng sản bắt đầu phát tờ rơi tại các cửa hàng, trường học và bến tàu. Lực lượng cộng sản cũng bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào các đồn cảnh sát và căn cứ hải quân.[47] Các du kích cộng sản chặt đầu bất kỳ ai bị nghi là chỉ điểm cho chính phủ. Thị trấn thỉnh thoảng bị áp lệnh giới nghiêm 24 giờ.[49]

Ngày 25 tháng 3 năm 1973, chính phủ Sarawak dưới quyền Thủ hiến Abdul Rahman Ya'kub bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cộng sản tại lưu vực Rajang bắt việc lập ra "Khu vực An ninh Đặc biệt Rajang". Một ngày sau đó, Bộ tư lệnh An ninh Rajang (RASCOM) được thành lập nhờ hợp tác của các trụ sở dân sự, quân sự và cảnh sát.[50][51] Đến tháng 8 năm 1973, một số thành viên cộng sản bị chính phủ bắt giữ, họ cung cấp các chi tiết rất quan trọng đối với chính phủ để làm suy yếu hơn nữa phong trào cộng sản. Ngày 22 tháng 9 năm 1973 Abdul Rahman bắt đầu "Chiến dịch Judas". Tổng cộng có 29 người từ thị trấn Sibu bị bắt giữ, trong đó có các bác sĩ, luật sư, thương nhân, giáo viên và một cựu nghị sĩ.[52] Sau khi một phong trào cộng sản tại Sri Aman đầu hàng vào ngày 21 tháng 10 năm 1973, các hoạt động cộng sản tại lưu vực Rajang bắt đầu lắng xuống và không thể khôi phục sức mạnh như trước. Phong trào cộng sản tại Sarawak cuối cùng kết thúc vào năm 1990.[47]

Phát triển gần đây

Tòa nhà Wisma Sanyan tại Sibu.

Ngày 1 tháng 11 năm 1981, hội đồng địa phương quản lý thị trấn Sibu được nâng cấp thành Hội đồng Đô thị Sibu. Khu vực hành chính của Sibu mở rộng từ 50 km² lên đến 129,5 km².[53] Năm 1994, Sân bay Sibu[54] và Bệnh viện Sibu[55] được xây dựng. Năm 2001, việc xây dựng Tòa nhà Wisma Sanyan[56] được hoàn tất. Yang di-Pertuan Agong của Malaysia là Sultan Salahuddin Abdul Aziz Shah đến thăm Sibu từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 9 năm 2001 để kết thúc lễ kỷ niệm Malaysia độc lập kéo dài suốt một tháng tại quảng trường thị trấn.[57]

Từ năm 1999 đến năm 2004, Hội đồng Đô thị Sibu quyết định chọn thiên nga làm một biểu tượng của Sibu để truyền cảm hứng cho nhân dân làm việc hướng đến mục tiêu trở thành một thành phố trong tương lai.[58] Từ đó, một tượng thiên nga được dựng lên gần bến tàu Sibu và có một tượng khác nằm tại trung tâm thị trấn.[16] Sibu cũng có biệt danh là "thành phố thiên nga", điều này bắt nguồn từ một truyền thuyết nói rằng khi nạn đói tại Sibu kết thúc có một đàn thiên nga bay trên bầu trời Sibu. Còn có một chuyện khác là người Hoa nhập cư tại Sibu gọi là Melanau tại địa phương là người "Go" do thực phẩm chủ yếu của người Melanau là "Sago". Trùng khớp là phát âm của "Go" tương tự như cách phát âm từ "thiên nga" trong tiếng Phúc Kiến.[58] Điều này nhắc nhở các di dân người Hoa tại Sibu về "sông thiên nga" tại Phúc Châu, Trung Quốc. Do đó, họ quyết định đặt tên cho Sông Rajang là "Nga Giang (鹅江).[16]

Năm 2006, Cầu Lanang nối Sibu đến Sarikei được khánh thành. Sibu cũng có vai trò là cửa ngõ của Hành lang Năng lượng tái tạo Sarawak (SCORE). Thị trấn Sibu và khu vực xung quanh là đối tượng của một số dự án phát triển kể từ năm 2008.[59][60] Năm 2011, lễ kỷ niệm nhân dịp 110 năm khu định cư Phúc Châu được tổ chức tại Sibu.[61] Tuy vậy, tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế tại Sibu tương đối chậm so với hai đô thị lớn cùng bang là MiriBintulu.[62]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sibu,_Sarawak ftp://ftp.atdd.noaa.gov/pub/GCOS/WMO-Normals/TABLE... http://catalogue.nla.gov.au/Record/1070722 http://trove.nla.gov.au/work/23851222?selectedvers... http://www.bozhou.gov.cn/content/detail/52933276ac... http://www.fjfao.gov.cn/yhxh/201006/t20100630_5154... http://tzb.fuzhou.gov.cn/gzdt/201103/t20110321_416... http://tzb.fuzhou.gov.cn/tpxw/201103/t20110315_415... http://www.fuzhou.gov.cn/zfb/xxgk/zjrc/yhwl/gjyhcs... http://www.gutian.gov.cn/gtzfw/xxgk/bmdt/webinfo/2... http://www.xingtai.gov.cn/gkgl/jrxt/xtgk/qhx/20130...